(
Tin tức) “Thần y” ở Thủ đô Có bệnh thì vái tứ phương, nhưng với những bệnh nan y, đặc biệt là ung thư, thời gian từ lúc phát hiện và điều trị là vàng ngọc, việc "vái" nhầm phải lang băm thì coi như hết cơ hội chữa bệnh. Tuy nhiên, những "lang vườn" vẫn có những "thế mạnh" trong việc lôi kéo người bệnh khiến nhiều người vào nằm viện K cũng đem theo cả thuốc của... thầy lang để uống. Không ít người phải chịu hậu quả nặng nề hơn khi mất cả người lẫn tiền. Trường hợp ông lang tự xưng "Thần hiệu Minh Cát" ở Thụỵ Lâm - Đông Anh, Hà Nội vừa qua lại góp phần nối thêm vào bảng danh sách lang vườn chữa ung thư bịp bợm... "Vở cũ", bệnh nhân mới
Thủ đoạn để lôi kéo người bệnh của các ông lang vườn chẳng có gì thay đổi, vẫn là quảng cáo và đội ngũ cò mồi, môi giới hưởng hoa hồng. Với người bình thường, thậm chí họ sẽ cười vào những chiêu bài đó, còn gặp người bệnh nan y thật, thì họ lại như chết đuối vớ được cọc.
Chẳng thế mà chị P. ở tận Lào Cai có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối cũng nhận được một danh thiếp cùng lời giới thiệu của "người quen" để mò tới tận thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội chữa trị theo "thầy lang" có tên hiệu giật mình là "Thần hiệu Minh Cát" với lời ghi chú không còn gì "tuyệt vời" hơn: "Chữa trị nhanh, khỏi, không tái phát”. Và kết quả là chỉ hơn một tháng chữa trị của thầy, một thời gian cũng được gọi là nhanh, mẹ chị... qua đời. Những tưởng "gặp thầy gặp thuốc", chị P. đã chẳng ngần ngại dốc túi hơn 10 triệu đồng để có được những "thang thuốc" rẻ tiền như nước rau má, lá đu đủ... mà ông thầy này cho biết phải mua tận bên Trung Quốc mới có.
Chúng tôi tìm đến "thần y" tại xã Thụy Lâm và thật ngạc nhiên khi thấy thầy "hồn nhiên" tự hào về tài của mình. Rót nước ra chẳng kịp mời, thầy thao thao giảng giải về cái "nghề" của mình rằng đây là nghề gia truyền, mà nghề gia truyền thì không thể tiết lộ trong khi muốn có giấy phép hành nghề thì phải phơi cái bí mật của mình ra. Thầy còn lên giọng đạo đức rằng, thấy người bị bệnh nan y mà không cứu là có tội. Vả lại bệnh nhân tự đến nhà thầy chứ thầy có áp giải ai đến đâu. Xem ra đạo đức của "thần y" khác với những lương y khác là lương y chữa vì người bệnh còn thầy chữa vì tiền. Nhắc đến chuyện tiền nong, thầy trợn mắt: "Thuốc này trong nước đâu có, mà phải mua tận Vân Nam xa hàng ngàn cây số". Chúng tôi với vai người nhà bệnh nhân đi tìm thầy tìm thuốc vờ ngơ ngác hỏi liệu thân nhân có qua được không, thầy cao giọng: "Nó còn là cơ địa, là số của mỗi người. Thôi được rồi, cứ đưa người sang đây, tôi sẽ cố còn nước còn tát".
Dò hỏi những người dân xung quanh, một thực tế là dân địa phương chưa bao giờ coi thầy là người chữa được bệnh nói gì đến thần y. Bà Vân ở xóm 3 ngạc nhiên: "Chúng tôi ở đây biết người biết việc, mà sao thiên hạ ở đâu cứ kéo đến ầm ầm". Lang thang tìm hiểu thêm, chúng tôi mới phác ra được chân dung bước đầu của “thần y” Cát Hồng. Thì ra chẳng có "thần y" nào cả, thực tế ông lang này tên thật là Hoàng Văn Cát, hiệu Cát Hồng chỉ là kết hợp với tên vợ, hoặc "thần hiệu Minh Cát" chỉ là tự xưng, xưa nay ông này chỉ là nông dân thuần túy, người dân địa phương chưa bao giờ nghe nói đến khả năng chữa được bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư như quảng cáo trên tấm danh thiếp của ông ta. Thậm chí ngay cả đời cha, đời ông của ông Cát cũng chưa có ai hành nghề thuốc bao giờ. Chỉ duy nhất là trước đây ông Cát có tham gia sinh hoạt trong Hội Đông y huyện Đông Anh, nhưng không được đào tạo ở bất kỳ trường lớp chuyên môn nào về y học, không có chứng chỉ hành nghề y dược tư nhân, và đã thôi không sinh hoạt trong hội 3 năm nay.
Phóng viên báo SK&ĐS (trái) làm việc với Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội.
Sau khi đi thực tế tại thực địa, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội để tìm hiểu. Ông Cường cảm ơn báo Sức khỏe & Đời sống đã phát hiện vụ việc và rút điện thoại gọi ngay cho Phòng y tế huyện Đông Anh. Với ông, chậm một ngày là thêm một người bị lừa, thêm một nỗi đau. Việc thông báo cho Phòng y tế huyện là một việc làm cần thiết từ người có trách nhiệm để
bảo vệ cho bệnh nhân khỏi bị tiền mất tật mang.
Được biết Phòng y tế huyện Đông Anh kết hợp cùng các cơ quan chức năng đã có lần tiến hành kiểm tra, xử phạt hành chính ông Cát 6 triệu đồng về hành vi hành nghề y dược tư nhân không phép, đồng thời đưa mọi thông tin lên đài truyền thanh của huyện để thông báo rộng rãi nhằm tránh cho những trường hợp tương tự mắc lừa, xong ông vẫn ngang nhiên hành nghề.
Nhân chuyện thầy lang Hồng, ông Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội tâm sự với phóng viên về việc cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi phải xử lý những trường hợp lang băm như vậy, bởi lẽ khi giao thuốc cho bệnh nhân, họ gói trong giấy báo không nhãn mác, "đơn thuốc" chỉ là truyền miệng, tiền thu không giấy tờ gì chứng minh được, còn số "thuốc" trong nhà chỉ là những lá đu đủ, lá rau má, mã đề phơi khô... Và ông lang nào cũng chối bay rằng chỉ làm thuốc cho người trong gia đình và hàng xóm, chứ không đòi hỏi.
Vì vậy người dân khi khám chữa bệnh cần phải tìm hiểu thật kỹ, cụ thể là có thể tiếp xúc ngay với chính quyền địa phương, phòng y tế huyện để xác minh về thông tin của "thần y" mà mình sắp chữa. Những cơ sở chính thức có biển hiệu đàng hoàng, có giấy phép, hoạt động công khai chứ không mập mờ. Đi theo cò mồi và những lời quảng cáo truyền miệng nghĩa là tự gây khó cho mình trước, đến lúc hậu quả xảy ra thì việc xử lý cũng không giúp gì cho chính bản thân bệnh nhân.
Vụ "thần y" Cát Hồng là một trong rất nhiều thần y tự xưng đang mọc ra như nấm hiện nay. Việc chấm dứt hoạt động, phạt hành chính chỉ là giải pháp ban đầu, ít có tính răn đe, dễ tái phạm. Thiết nghĩ, việc xử lý cần căn cứ vào Luật Sức khỏe để người vi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự trước việc lừa đảo để kiếm tiền gây tốn kém, thiệt hại cho bệnh nhân và mất ổn định xã hội.
Phóng sự điều tra của Hoàng Dương-suckhoedoisong